Trang

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

DẠY CON VỀ TIỀN BẠC


Khi nói đến dạy con về tiền thường người ta chỉ nói đến dạy con cách xài tiền, hoặc cách tránh xài tiền phung phí.  Theo tôi, dạy con về tiền không chỉ dừng lại ở cách xài tiền mà còn có cách để dành tiền, cách quản lý tiền, cách hưởng thụ tiền, và quan trọng nhất là ý nghĩa của tiền đối với hạnh phúc và đạo đức cá nhân.


Tôi sinh ra trong gia đình có ông nội là một nhà nho, làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, cha tôi là sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa, và mẹ là nội trợ.  Thời thế đổi thay làm mẹ tôi phải bương chải, buôn gánh bán bưng để nuôi sống gia đình. Sau đó, mẹ tôi từ một người nội trợ hiền lành ngây thơ đã trở thành một doanh nhân thành công.  Lẽ ra tôi phải học theo Mẹ và cũng trở thành một doanh nhân thành công, nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn không kinh doanh mà lại theo đuổi nghiệp từ thiện.  Sao lạ vậy? 

Theo như T Harv Eker, một diễn giả nổi tiếng của Hoa Kỳ thì tôi đã bị “cài đặt” một tư tưởng “tránh tiền”.  Mới nghe qua thì thật vô lý, nhưng nghĩ lại thì có lẽ đúng vì tôi còn nhớ khi còn nhỏ, tôi luôn nghe Mẹ nói “con ơi, tiền là bạc” hoặc là “Mạ buôn bán vì buộc phải sống còn, vì thời cuộc thôi.”  Điều này đã gieo trong tiềm thức của tôi là kinh doanh là xấu xa và tiền bạc là đáng sợ và có lẽ vì vậy mà tôi thường rất ngại nói đến tiền bạc và giá cả


Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến những điều này cho đến khi nghe T Harv Eker nói mới “sực tỉnh”.  Những sự “cài đặt” vô tình của cha mẹ, ông bà, và kinh nghiệm ấu thơ thường để lại dấu ấn trong tiềm thức người ta và ảnh hưởng đến hành vi cũng như cá tính.  Những ví dụ về sự “cài đặt chống giàu” khác như là những quan niệm “không ai chân thật mà giàu được” hoặc là “mấy người kẹo mới giàu” thường để lại trong tâm trí trẻ con khái niệm giàu là tội lỗi, người giàu là người xấu xa. Và như vậy thì khi lớn lên, đứa trẻ đó trong ý thức muốn làm giàu nhưng tiềm thức thì sợ hãi giàu, do đó hành vi là tránh xa tiền dù cố gắng làm tiền.  

Trong phim hoạt hình Panda Kungfu, có một câu nói rất triết lý mà chúng ta cần suy ngẫm “người ta thường tìm thấy số phận cuả mình trên con đường trốn chạy số phận đó”.  Vì vậy, chúng ta nên cẩn thận trong lời nói và hành động, đừng “cài đặt” vào con mình cái tiềm thức “sợ giàu” hay “ghớm tiền” để khi lớn lên các em sẽ tự lựa chọn con đường đúng đắn cho mình.  

Giá trị của tiền là một khái niệm tương đối, và ý nghĩa của tiền là một khái niệm cá nhân.  Tiền là tất cả với người này, nhưng không là gì cả với người khác. Ai đúng, ai sai? Không ai đúng, và cũng chẳng ai sai. Vì mỗi chúng ta có quyền diễn giải cuộc sống quanh ta theo quan điểm của riêng mình.  Vấn đề là khi trẻ em còn nhỏ thì cha mẹ phải hướng dẫn cho con có những trải nghiệm và hành xử thích hợp để tránh trường hợp trở nên quá cực đoan trong quan niệm về mọi thứ, nhất là tiền bạc.  Hãy cho con bạn hiểu được giá trị của đồng tiền bằng lý thuyết và thực hành.  Qua đó, bé sẽ dần dần hiểu được giá trị và ý nghĩa của tiền bạc.  

Lý thuyết tài chính thì phức tạp và đòi hỏi bằng cấp đại học, nhưng với mỗi người trong cuộc sống hằng ngày nó rất đơn giản.  Đó chỉ là, thu và chi. Ít nhất thì thu phải bằng chi. Khi thu nhiều hơn chi thì sẽ có tiền để dành.  Nếu ngược lại thì phải lâm vào nợ nần và kéo dài thì dẫn đến phá sản.  Thu bằng cách nào? Tự làm ra, xin, mượn.  Chi thì không cần phải học, nhưng cái cần học là chi hợp lý.  

Thế nào là chi hợp lý.  Chi cho cái gì cần thì hợp lý, chi cho cái gì không cần mà chỉ vì đua đòi, thỏa mãn tâm lý hay theo trào lưu thì không hợp lý.  Chi vì chứng tỏ đẳng cấp thường là không hợp lý, nhưng nếu cần chứng tỏ đẳng cấp vì lý do tạo uy tín và sự tin tưởng ở đối tác kinh doanh thì tạm gọi là hợp lý. Hãy cho con bạn cơ hội thực hành thu chi ngay từ khi chúng biết đếm.  Và khi chúng hiểu được những khái niệm trừu tượng thì hãy để chúng tham gia vào các quyết định thu chi trong gia đình.  

Khi bé mới biết đếm hãy cho bé một con heo đất hay sổ tiết kiệm.  Mỗi ngày, tuần, tháng, hãy cho bé tiền để bé tự tay cho vào heo hay sổ tiết kiệm.  Mỗi khi bé muốn gì thì hãy lấy tiền trong heo ra mua.  Khi bé lớn hơn một tý, mỗi khi bạn quyết định mua gì, hãy bàn bạc cùng bé.  Hãy chỉ cho bé hiểu tại sao nên mua, và tại sao không.  Ví dụ, hãy nói với bé là chúng ta không thể mua TV bây giờ vì mình còn phải trả tiền học của con tháng này.  Hay là mình sẽ để dành mỗi tháng một ít tiền, và sau một năm thì mình sẽ đủ tiền mua TV. 
Hãy giải thích cho con biết những cạm bẫy của quảng cáo, nó làm cho người ta thèm khát và say sưa những món hàng không cần thiết.  Ví dụ khi TV chiếu hình ảnh thanh thiếu niên sảng khoái sau khi nốc vào một ngụm nước đóng chai là một dạng ảnh hưởng tiềm thức của con người rằng nước uống đó sẽ cho họ cảm giác sảng khoái.  Mỗi lần con bạn đòi mua một vật gì sau khi xem quảng cáo thì hãy phân tích cùng con xem có thật sự cần thiết hay chỉ là cảm giác thèm muốn do ảnh hưởng tâm lý của quảng cáo.  

Qua những thực hành trên, con bạn sẽ hiểu được giá trị của sự tích lũy tiền bạc và tài sản, tránh xa nợ nần, và có được đời sống tài chính ổn định.  Nhưng đừng quên dạy con để dành một phần tiền của mình để cho từ thiện hay giúp người thân, bạn bè và những hoàn cảnh khó khăn.  Thứ nhất, hành động này giúp bé biết yêu thương giúp đỡ mọi người, thứ hai là nó giúp bé có trải nghiệm vai trò của người đi cho và người cho mượn để sau này khi bé lớn lên, nhỡ có sa vào khó khăn thì con bạn có cái nhìn thực tế hơn và sự trông đợi thực tế khi buộc phải đóng vai trò đi xin hay đi mượn.  Nhưng có lẽ nếu bé đã biết quản lý tiền bạc ngay từ nhỏ thì viễn cảnh đi vay mượn không dành cho bé khi trưởng thành.
(Sưu tầm trên Internet)
Con trai lớn - Nguyễn Hà Hiển  ( Hình chụp lúc 3 tuổi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét